Chuyên Nghiệp Trong Công Việc Kỹ Năng Làm Việc Nhóm Tháng 06/2020

CHUYÊN NGHIỆP TRONG CÔNG VIỆC và KỸ NĂNG LÀM VIỆC NHÓM THÁNG 06/2020

Chuyên nghiệp là gì?

Chuyên nghiệp là sự đồng bộ nhất quán từ ý tưởng đến cách thức thực hiện nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Chuyên nghiệp thể hiện qua tác phong làm việc khoa học kết hợp việc nắm vững kiến thức chuyên môn. Một cách ngắn gọn, tính chuyên nghiệp bao gồm những việc làm, hạnh kiểm, mục tiêu và phẩm chất .

– Dù ở bất kì vị trí nào thì mỗi cá nhân đều muốn xây dựng cho mình một hình ảnh riêng mang tên “chuyên nghiệp”. Trong môi trường làm việc năng động và hiện đại như ngày nay, tính chuyên nghiệp được coi là một trong những tiêu chí hàng đầu quyết định sự thành công của một doanh nghiệp hay khả năng thăng tiến của một cá nhân. Vì vậy, để trở nên ngày càng chuyên nghiệp, đừng ngại ngần học hỏi từ cấp trên, các đồng nghiệp thâm niên hay thậm chí là cấp dưới của mình. Bạn sẽ có được những bài học và trải nghiệm vô giá từ chính nỗ lực này.

Cho dù bạn đang ở vị trí nào thì việc không ngừng học hỏi là điều cần thiết để không ngừng tiến bộ và vươn tới đỉnh cao. Cuộc sống, trình độ công nghệ thông tin phát triển liên tục kèm theo những đòi hỏi, yêu cầu trong công việc sẽ ngày càng khắt khe, đa dạng hơn. Nếu như bạn không trang bị cho mình kiến thức phù hợp với thời đại thì sẽ không tránh khỏi việc bị đào thải vì sự tụt hậu, lỗi thời.

– Đặc điểm của tính chuyên nghiệp: Có 07 đặc điểm sau:

  • Thứ nhất: Kiến thức chuyên môn.

– Người làm việc chuyên nghiệp phải có trình độ hiểu biết sâu sắc về nghề nghiệp, hiểu và nắm vững các cấp độ công việc, kỹ năng trong phạm vi nghề nghiệp. Nhân viên chuyên nghiệp có thể giải quyết một số vấn đề xem ra rất phức tạp trở nên đơn giản, nguyên nhân chính là họ đã nắm bắt được nguyên tắc làm việc cơ bản. Xã hội phát triển không ngừng, nhất là trong thời đại khoa học, công nghệ cao ngày nay xuất hiện ngày càng nhiều những tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới, nhiều ngành nghề mới, công việc phức tạp, đa dạng hơn. Điều đó, đòi hỏi người làm việc chuyên nghiệp phải không ngừng học tập, rèn luyện cho tinh thông nghề nghiệp để có thể thích ứng và đối mặt với những tri thức mới.

  • Thứ  hai: tài năng, khả năng.

– Họ có kỹ năng để hoàn tất một công việc gọn gàng, đúng quy chuẩn và nhanh nhẹn. Người thiếu tính chuyên nghiệp cũng có thể làm được việc nhưng “sản phẩm đầu ra” của họ không đẹp, không gọn gàng, hay nói chung là không đủ tốt. Người có tính chuyên nghiệp không bao giờ đổ lỗi theo kiểu “tại, bởi, vì” mà tìm giải pháp tốt nhất để hoàn tất công việc.

  • Thứ ba: Liêm chính.

– Liêm chính trong cả hành xử hàng ngày lẫn đạo đức nghề nghiệp. Người chuyên nghiệp là người giữ lời hứa, nói là làm. Ngược lại, những người thiếu chính chuyên nghiệp là không đáng tin cậy, vì lời hứa không đi đôi với việc làm, và họ thiếu lòng tự trọng.

  • Thứ tư: Tinh thần trách nhiệm.

– Người chuyên môn chịu trách nhiệm về suy nghĩ, phát biểu và việc làm của mình. Tinh thần trách nhiệm đối với công việc thể hiện ngay trên mỗi kết quả, sản phẩm. Sự sai sót, mắc nhiều lỗi chính tả, trình bày cẩu thả, câu văn lệch lạc trong văn bản cũng đủ thể hiện sự thiếu trách nhiệm của người soạn thảo văn bản. Một lỗi sản phẩm đã được phát hiện, nhưng bỏ qua và vẫn đưa ra thị trường, rất có thể dẫn đến sự mất uy tín, tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp. Trong công việc, không ít người thường biện hộ cho việc làm của mình, mà không thừa nhận trách nhiệm, với những lời lẽ như: “trình độ tôi có hạn”, “tôi đã cố gắng rối”, “tiền lương như vậy tôi chỉ làm được như vậy”… một người làm việc chuyên nghiệp luôn sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, tập trung và cố gắng giải quyết vấn đề. Giấu giếm lỗi lầm, tránh việc khó khăn, đùn đẩy việc cho người khác, đổi lỗi cho hoàn cảnh là thái độ làm việc của những người nghiệp dư. Tính chuyên nghiệp xuất phát từ ý thức của con người làm việc vì nghĩa vụ và trách nhiệm đối với tổ chức, công ty, với đồng nghiệp và chính bản thân người đó.

  • Thứ năm: Tự kiểm soát.

– Người có tính chuyên nghiệp cao có thể giữ tư cách trước áp lực lớn. Chẳng hạn như trước những mắng mỏ của sếp, những phản ánh của người lao động,  họ vẫn bình tĩnh giải thích và phục vụ chứ không “đôi co”. Người chuyên nghiệp có khả năng tự kiềm chế để không sa đà vào những tiểu tiết hay những ngụy biện của người khác.

  • Thứ sáu: Tôn trọng người khác.

– Người chuyên môn lúc nào cũng tỏ ra kính trọng đồng nghiệp và những người xung quanh, bất kể họ giữ địa vị gì trong xã hội. Tôn trọng đồng nghiệp cũng có nghĩa là không nói xấu, và tuyệt đối không xúc phạm đồng nghiệp. Nhà khoa học giải Nobel Y học Peter Doherty khuyên rằng nếu không có gì tốt để nói về đồng nghiệp thì nên im lặng. Những hành xử như sỉ vả công nhân, đồng nghiệp là thiếu đạo đức hơn là vô giáo dục. Người chuyên nghiệp có độ “thông minh xúc cảm” cao và không để  ảnh hưởng đến tư cách của họ. Bạn sẽ phải làm với những người mà bạn không quan tâm, thậm chí cả những người không dễ chịu cho lắm. Bạn sẽ càng thể hiện được sự chuyên nghiệp nếu bạn không để cho họ biết được bạn đang nghĩ gì về họ, thay vào đó vẫn thân thiện, lịch sự và dễ làm việc cùng. Người chuyên nghiệp là người đối mặt với người mình không thích vẫn bình thường như không có gì.

  • Thứ 7: Hình ảnh và sắc diện.

– Trang phục phù hợp với tính chất công việc thể hiện phong cách làm việc chuyên nghiệp, tạo niềm tin cho đối tác. Mỗi công việc, mỗi môi trường làm việc có yêu cầu trang phục riêng phù hợp với điều kiện làm việc cũng như đặc điểm của công việc đó. Không những thế trang phục còn giúp truyền tải những nét đặc trưng của doanh nghiệp tới đối tác, tạo ra hình ảnh sống động về văn hóa doanh nghiệp trong con mắt người tiếp cận. Người chuyên nghiệp xuất hiện với trang phục chỉnh chu, không màu mè, không quá trang trọng nhưng thích hợp cho tình huống, và lịch thiệp. Xuất hiện với trang phục lôi thôi, thiếu gọn gàng, cầu kỳ quá mức chẳng những thiếu tính chuyên nghiệp mà còn được hiểu là xem thường người đối diện.

– Trong đời sống, bất cứ ai trong chúng ta, cũng hơn một lần hành xử kém chuyên nghiệp. Có thể đó là những lần quá bận rộn, kém suy nghĩ, non nớt, hiếu thắng, nóng giận, nói chung là sai. Nhưng nếu đủ khiêm nhường, ta đều có cơ hội sửa mình. Bạn cần kết hợp nhuần nhuyễn các kỹ năng cứng và các kỹ năng mềm để tạo nên một phong thái chuyên nghiệp trong cách giao tiếp và làm việc.

Làm việc teamwork?

-Teamwork là một nhóm gồm 2 người cùng hợp tác để hoàn thành một mục tiêu chung trên cơ sở tương tác và trách nhiệm.

Những vấn đề hay mắc phải khi làm việc teamwork:

  • Ngại đưa ra ý kiến, mất tập trung khi họp
  • Không mặt đối mặt
  • Nhóm quá đông bất đồng quan điểm

Kĩ năng quan trọng cần thiết để làm teamwork

  • Lắng nghe người khác
  • Kỹ năng tổ chức công việc
  • Trợ giúp và tôn trọng lẫn nhau
  • Có trách nhiệm với công việc được giao
  • Khuyến khích và phát triển cá nhân
  • Gắn kết
  • Tạo sự đồng thuận.
  • Vô tư, ngay thẳng

– Khi làm việc theo một nhóm chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả hơn một mình bản thân mình làm, hãy cùng nhau hợp tác, đoàn kết và hãy coi nhau như những người anh em thân thiết những người bạn tốt để cùng đảm bảo an toàn cho người lao động và đưa ra những sản phẩm lao động tốt nhất.

– Tính chuyên nghiệp là một đòi hỏi ngày càng thiết thực trong cuộc sống, vì vậy nếu không muốn bị đào thải thì ngay từ bây giờ bạn nên bắt đầu kế hoạch xây dựng cho mình hình ảnh một nhân viên chuyên nghiệp thực sự!

Ban An toàn Công ty kính chúc tất cả Anh/Chị/Em một tháng ngập tràn niềm vui, đoàn kết cùng nhau để nhằm đạt được mục tiêu An Toàn – Chất Lượng – Tiến độ mà công ty đã đề ra.

Thực hiện: Ban An toàn Công ty Phước Thành